Friday 25 January 2013

“Dân chủ” và “Tự do” giảm: Đếm từ trong hiến pháp 1946-2013 (Nguyễn Văn Tuấn)

Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn
InEmail
Thứ sáu, 25 Tháng 1 2013 11:24
Tôi mới đọc bài viết Hành trình hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn khoa học của Ts Trần Xuân Hoài. Bài viết trình bày một phân tích thống kê về một số từ như độc lập, tự do, bình đẳng, dân chủ trong 5 hiến pháp (1946, 1960, 1980, 1992, và dự thảo 2013). Những con số rất đáng chú ý, nhưng hình như tác giả không bình luận. Ở đây, tôi muốn bổ sung thêm vài con số và vài ý để thấy một xu hướng rất thú vị.


Giới nghiên cứu xã hội có một môn thể thao tri thức rất thú vị là đếm từ trong văn bản. Theo lí thuyết tâm lí thì tần số xuất hiện của những từ trong văn bản có thể nói lên suy nghĩ hay sự quan tâm của tác giả. Do đó, trong các nghiên cứu định tính, nhà nghiên cứu có thể tạo môi trường và điều kiện để đối tượng nghiên cứu tự do phát biểu, và những phát biểu được thu thanh lại. Sau đó một chương trình máy tính sẽ được sử dụng để phân tích tần số dùng chữ, tần số các chủ đề trong thảo luận, và từ đó có thể phát hiện một xu hướng chung.

Trước đây, tôi cũng từng mài mò làm một vài phân tích thơ lục bát của Nguyễn Du, Nguyễn Bính, và Nguyễn Đình Chiều. Kết quả những phân tích so sánh cũng cho ra vài phát hiện về âm điệu, cách gieo vần và dùng từ của các thi sĩ trên. Nhưng những phân tích như thế thật ra chỉ có mục tiêu giải trí là chính, chứ cũng khó phát kiến được một giả thuyết khoa học nào. Nhưng qua cách làm tôi cũng học thêm vài điều về phương pháp, và nhất là có dịp đọc sách về định lượng ngôn ngữ học. 

Hai năm trước, tôi cũng có làm một so sánh về tần số dùng từ của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng thống Obama. Kết quả cho thấy trong bài diễn văn của ông NĐM nhân dịp kỉ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng, chữ Đảngxuất hiện 83 lần, Nhân dân 27 lần, Nhà nước chỉ có 3 lần. Một điều thú vị khác là ông Tổng bí thư có xu hướng dùng những chữ như là, và, của ... hơi nhiều. Ông Obama thì có xu hướng dùng những từ như nation (quốc gia), people (người), new (mới), America, world (thế giới), today (hôm nay), must (phải), v.v. Rõ ràng, hai người có 2 quan tâm khác nhau. 

Hôm nay, nhân đọc bài Hành trình hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn khoa học của Ts Trần Xuân Hoài, tôi lại có động cơ xem qua sự phân bố từ ngữ trong các bản hiến pháp. Ts Hoài đặc biệt quan tâm đến 4 từ: độc lập, tự do, bình đẳng, và dân chủ. Nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều người quan tâm đến vai trò của Đảng CSVN, đến định hướng xã hội chủ nghĩa, v.v. thì có lẽ chúng ta cũng nên thêm vài từ nữa. Những từ tôi nghĩ đến là Đảng, Cộng sản, Xã hội chủ nghĩa, và Chủ nghĩa xã hội. Tôi nghĩ xem qua xu hướng phân bố của những danh từ này cũng rất thú vị, vì qua đó mà chúng ta biết được Quốc hội hay người soạn hiến pháp quan tâm đến điều gì hay đang nghĩ gì. 

Sau khi làm một phân tích nhanh sự phân bố từ ngữ trong 5 văn bản hiến pháp (xem kết quả trong Bảng 1), tôi có thể tóm lược vài kết quả như sau:


Bảng 1: Phân bố một số từ trong văn bản hiến pháp ban hành năm 1946, 1960, 1980, 1992, và dự thảo 2003

1946
1960
1980
1992
2013
(dự thảo)
Số từ (*)
3122
6958
12744
12921
13360
"Độc lập"
0
2
9
9
12
"Tự do"
8
7
12
10
13
"Bình đẳng"
2
5
7
7
10
"Dân chủ"
10
69
7
5
8
"Đảng"
0
0
9
2
6
"Cộng sản"
0
0
9
2
2
"Xã hội chủ nghĩa"
0
2
68
37
30
“Chủ nghĩa xã hội”
0
2
15
1
1
Tính trên 1000 từ
"Độc lập"
0.0
0.3
0.7
0.7
0.9
"Tự do"
2.6
1.0
0.9
0.8
1.0
"Bình đẳng"
0.6
0.7
0.5
0.5
0.7
"Dân chủ"
3.2
9.9
0.5
0.4
0.6
"Đảng"
0.0
0.0
0.7
0.2
0.4
"Cộng sản"
0.0
0.0
0.7
0.2
0.1
"Xã hội chủ nghĩa"
0.0
0.3
5.3
2.9
2.2
Chủ nghĩa xã hội
0.0
0.3
1.2
0.1
0.1

Chú thích : (*) Số từ không tính phần mở đầu. Chú ý những con số này hơi khác với những con số trong bảng thống kê của Ts Trần Xuân Hoài. Tôi không rõ tại sao khác nhau, nhưng nguồn văn bản trong bài này lấy từ dangcongsan.vn và trang laws.dongnai.gov.vn.



Nội dung càng ngày càng nhiều . Việt Nam (không tính Việt Nam Cộng Hòa) đã có 4 bản hiến pháp, và năm nay thêm một dự thảo hiến pháp. Mỗi bản hiến pháp sau đều có thêm những mục và tiết mới, nên số từ cũng gia tăng. Hiến pháp năm 1946 chỉ có 3122 từ, đến năm 1960 con số này tăng lên hơn 2 lần (6958 từ), và hiến pháp năm 1992 tăng lên gần 13000 từ, tức gấp 4 lần số từ trong hiến pháp 1946. Dự thảo hiến pháp năm 2013 có đến 13,360 từ, không tăng đáng kể so với văn bản năm 1992. 

Tần số từ độc lập tăng nhưng bình đẳng thì không thay đổi. Bản hiến pháp năm 1946 không có một chữ độc lập, đến năm 1960 thì chữ này xuất hiện 2 lần, năm 1980 và 1992 xuất hiện 9 lần. Bản dự thảo hiến pháp năm 2013 có 12 từ độc lập, tức khoảng 0.9 trên 1000 từ. Từ bình đẳng đã xuất hiện ngay từ hiến pháp 1946. Bản dự thảo hiến pháp năm 2013 có 10 từ bình đẳng, tuy có tăng so với trước đây, nhưng tính trên số từ thì không thay đổi đáng kể. 

Xu hướng phân bố danh từ tự do rất thú vị. Ngay từ bản hiến pháp năm 1946 đã có đến 8 từ tự do, và con số này có xu hướng tăng trong những năm 1980 (12 từ), 1992 (10), 2013 (13). Nhưng nếu tính trên 1000 từ, thì tần số danh từ tự do giảm rất đáng kể. Năm 1946, cứ 1000 từ trong hiến pháp thì khoảng 3 từ tự do, nhưng tỉ lệ này giảm dần theo thời gian, 1960 (còn 1 trên 1000), 1980 là 0.9, 1992 là 0.8, và năm 2013 là 1. Nói cách khác, xác suất tự doxuất hiện trong dự thảo hiến pháp năm nay chỉ khoảng 1/3 so với năm 1946. 

Dân chủ là danh từ xuất hiện rất thường xuyên trong bản hiến pháp 1946 (10 lần) và 1960 (69 lần). Nhưng các bản hiến pháp năm 1980, 1992, và dự thảo 2013 thì chỉ còn 5-8 từ (Biểu đồ 1). 



Biểu đồ 1: Phân bố của hai danh từ dân chủ và tự do trong các hiến pháp năm 1946, 1960, 1980, 1992, và dự thảo hiến pháp 2013.  Trục tung là số từ tính trên 1000 từ trong văn bản, trục hoành là năm.

Danh từ Đảng không xuất hiện trong hiến pháp 1946 và 1960. Nhưng sau ngày thống nhất (1980) danh từ Đảngxuất hiện đến 9 lần, rồi giảm xuống còn 6 lần trong năm 1992 và bản dự thảo 2013. Cùng với sự xuất hiện củaĐảng, danh từ Cộng sản cũng chỉ mới xuất hiện trong hiến pháp từ năm 1980 (9 lần), 1992 (2 lần), và dự thảo 2013 (2 lần). Như vậy, Đảng và Cộng sản tuy mới xuất hiện sau ngày thống nhất nhưng hình như tần số càng lúc càng “khiêm tốn” hơn. 

Cụm từ xã hội chủ nghĩa có xu hướng “thăng trầm” theo thời gian. Cụm từ Xã hội chủ nghĩa chưa xuất hiện trong bản hiến pháp 1946, nhưng đến năm 1960 thì xuất hiện 2 lần, rồi đạt "đỉnh cao" trong năm 1980 với 68 lần! Đến năm 1992, cụm từ này chỉ xuất hiện 37 lần, và giảm xuống còn 30 lần trong bản dự thảo hiến pháp 2013. Điều thú vị là cụm từ chủ nghĩa xã hội chỉ thịnh hành trong bản hiến pháp 1980, nhưng những bản hiến pháp sau đó cụm từ này chỉ xuất hiện 1 lần. 

Tóm lại, những kết quả phân tích tần số các từ trong hiến pháp trên đây cho thấy trong khi Đảng chưa xuất hiện trong hiến pháp thì dân chủ và tự do khá phổ biến, nhưng trong và sau khi Đảng xuất hiện thì dân chủ là tự do giảm rõ rệt. Trong bản hiến pháp sau thống nhất (1980) xã hội chủ nghĩa xuất hiện rất nhiều, nhưng trớ trêu thay đến những năm sau khi kinh tế chuyển sang định hướng xã hội thì sự hiện diện của cụm từ này trong hiến pháp càng ngày càng khiêm tốn.

Thursday 24 January 2013

Hành trình hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn khoa học (Trần Xuân Hoài)


Trần Xuân Hoài
Ai bảo Toán học chỉ là khoa học tự nhiên?
Bởi tin rằng “Điều gì đã khắc ở trong tâm thì (nhất định) cũng bộc lộ thành lời (thành chữ)”, nên TSKH Trần Xuân Hoài đã thống kê tần suất những từ ngữ chính trị xuất hiện trong chuỗi các Hiến pháp Việt Nam từ 1946 đến nay, xem những con số, những biểu đồ toán học khô khan có nói lên quy luật gì hữu ích không?
Kết quả là, những con số cùng những gợi ý rất nhẹ nhàng và khách quan của tác giả, đã khiến ta dễ dàng đạt tới những nhận thức vô cùng thú vị:
1/ Tần suất những chữ ”Độc lập”, “Tự do”, “Bình đẳng” thì tương đối ổn định. Riêng từ “DÂN CHỦ” được nhấn mạnh trong HP 1946, nhưng sau đó thì liên tục “giảm mạnh” ! Đúng là Nhân quyền bị “teo dần trong Hiến pháp” (GS TS Hoàng Xuân Phú).
2/ Theo thời gian, sự giảm dần của yếu tố Dân chủ lại tương ứng với sự tăng dần của yếu tố Cộng sản và Chuyên chính thể hiện ở cách đặt tên nước, từ một nước dân chủ cộng hòa (1946), dân chủ nhân dân (1960), sang Nhà nước chuyên chính Vô sản (1980), Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (1992), rồi Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (2000, tu chỉnh). Ý thức hệ đúng là yếu tố “làm teo” Nhân quyền!
3/ “Sự định danh lại vào Hiến pháp 1980 từ nhà nước dân chủ sang nhà nước CHUYÊN CHÍNH, là một bước ngoặt lớn”, “hiếm có quốc gia nào có được sự tự định danh chính thức là nhà nước CHUYÊN CHÍNH như Hiến pháp 1980 của nước ta” (nguyên văn TXH, HSP nhấn mạnh). Từ một Hiến pháp năm 1946 dựa trên những tiên đề “không ai có thể bác bỏ” đã du nhập thêm những tiên đề rất dễ bị bác bỏ, nhiều người muốn bác bỏ. Càng củng cố được quyền lực, sự Chuyên chính càng bộc lộ một cách trực diện, ngang nhiên và được pháp chế hóa thẳng thừng.
4/ Chuyên chính tăng lên thì Dân chủ giảm đi là dễ hiểu, nhưng lạ một điều càng Chuyên chính thì Hiến pháp càng tô rõ thêm hai chữ Nhân dân là vì sao, có mâu thuẫn gì ở đây? Bởi theo lý thuyết Mác-xít thì Chuyên chính không mâu thuẫn gì với “Nhân dân” cả: Đảng Cộng sản chỉ Dân chủ với “Nhân dân” nhưng quyết chuyên chính với “kẻ thù”. Trong nhân dân nếu có ai chống lại Đảng thì Đảng đẩy nó thành “kẻ thù”, không cho nó thuộc về “nhân dân” nữa, thế là “nhân dân” thì luôn trong sạch, luôn theo Đảng, và Đảng chẳng bao giờ phải chuyên chính với “nhân dân”!
Đọc bài Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong Hiến pháp của báo Quân đội nhân dân ta sẽ hiểu ngay “nhân dân phải mang tính giai cấp”, chỉ có những người theo Đảng làm cách mạng lập ra chế độ dân chủ cộng hòa mới là “nhân dân”, và Hiến pháp 1946 đã khẳng định không được dân chủ đa nguyên! (Vậy những ai muốn trở về Hiến pháp 1946 chớ có ảo tưởng nhé).
Nghĩa là các khái niệm Dân chủ và Nhân dân đã bị đánh tráo. Đồng thời hai chữ ĐỘC TÀI nghiễm nhiên đi vào Hiến pháp do được nghệ thuật phù phép ngôn từ thay bằng hai chữ CHUYÊN CHÍNH của Trung Hoa cho đỡ phản cảm, mặc dù tất cả các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới đều biết Chuyên chính = độc tài = Dictatura, từ một chữ Latin nghĩa là phi dân chủ!
Việc nhập nhằng giữa khái niệm Nhà nước với Chính quyền, giữa quyền Con người với quyền Công dân, giữa quyền độc lập của một Dân tộc với quyền độc lập của mỗi cá nhân… cũng là những thủ thuật pháp lý láu cá, đánh tráo khái niệm.
Tác giả biết rằng nếu Hiến pháp xây dựng trên cơ sở những chân lý “không ai chối cãi được” thì đương nhiên được toàn dân chấp nhận, nhưng khi người ta cần mưu lợi về chính trị, cần kinh tế, cần tuyên truyền… tức là đặt cơ sở trên những điều “có thể chối cãi”, do xuất phát từ chủ quan những người soạn thảo và quyết định Hiến pháp thì… (xin chấm than!). Chính vì thế mà chừng nào việc soạn thảo và quyết định Hiến pháp còn do một tập thể mà tuyệt đại đa số là người của một phe, một đảng thì… xin đừng tranh biện làm gì cho hoài công? Song song với yêu cầu sửa đổi nội dung Hiến pháp, không thể không đề cập mạnh đến nhu cầu cốt tử này từ những sức mạnh của xã hội công dân, mà việc ký kiến nghị đông đảo và lên tiếng trên mọi diễn đàn cũng là những cố gắng.
Là nhà khoa học tự nhiên, TSKH Trần Xuân Hoài chỉ nói ít, nhưng những con số và đồ thị thuần toán học, như đứng ngoài chính trị, lại có sức mạnh lột trần những tâm can cơ hội chính trị sâu kín, mà nếu không hiểu được rõ, không vạch được rõ, e sẽ không thể luận bàn Hiến pháp.
Hà Sĩ Phu
Khảo sát các bản hiến pháp của Việt Nam có thể thấy rõ biểu hiện của yêu cầu “Độc lâp”, “Tự do”, “Bình đẳng” tương đối ổn định. Riêng “Dân chủ” trong hành trình hiến pháp Việt Nam có sự biến đổi bất thường nhất. Trong các phiên bản ban đầu – 1946, 1960 – phạm trù này được nhấn mạnh nhiều, sau đó thì giảm mạnh.
1- Tiên đề của khoa học
Khoa học là công cụ tư duy để con người lý giải và làm chủ tự nhiên cũng như xã hội. Mọi ngành khoa học đều được xây dựng từ những tiên đề (axioms), là những chân lý vạn năng tự thân không cần chứng minh [1]. Từ lớp 7 phổ thông ai cũng biết tiên đề Euclide về đường thẳng song song là nền tảng cho hình học cổ điển. Đó là loại tiên đề của tư duy toán học. Bảo toàn năng lượng và bảo toàn vật chất là những tiên đề nền tảng cho Vật lý. Tốc độ ánh sáng trong chân không là cực đại và hằng số trong mọi điều kiện là tiên đề cho thuyết tương đối Einstein. Những tiên đề đó là của thế giới tự nhiên. Xã hội con người cũng là một đối tượng của khoa học. Muốn xây dựng một tập hợp con người thành một hệ thống xã hội văn minh cũng cần có những tiên đề, tạm gọi là Tiên đề xã hội. Nói một cách dễ hiểu, đó là những lẽ phải không ai chối cãi được (Hồ Chí Minh)[2]. Từ các tiên đề xã hội sẽ xây dựng nên Hiến pháp, luật pháp, quy tắc của xã hội đó. Tiên đề xã hội được thể hiện trong các niềm tin tôn giáo hoặc các tuyên ngôn xã hội. Khác với tôn giáo cần cách diễn đạt càng mờ ảo thì càng lôi kéo được niềm tin, các tuyên ngôn xã hội là khoa học, nên rất rõ ràng, không thể đánh tráo. Không kể thời trung cổ thì cho đến nay có 3 tuyên ngôn xã hội phổ biến nhất mà các xã hội văn minh chọn các tiên đề ở đó làm cơ sở cho Hiến pháp:Tuyên ngôn độc lập Mỹ (1776), Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền Pháp (1791) và Tuyên ngôn Cộng sản (1848).
2- Tiên đề xã hội cho các hiến pháp của Việt Nam
Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 [2] là bản tuyên ngôn xã hội chính thức duy nhất của nước Việt Nam cho đến nay. Điều rất đặc biệt là ngay những dòng đầu tiên bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đó đã chọn những tiên đề xã hội của Tuyên ngôn độc lập Mỹ [3]: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp [4]: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Tuyên ngôn độc lập Việt Nam đã khẳng định: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Hiến pháp Việt Nam đã có hành trình gần 70 năm, với ít nhất 4 phiên bản chính thức vào các năm 1946, 1960, 1980, 1992 [5], và 1 dự thảo 2013 [6], không kể các sửa đổi nhỏ 2001. Với các tiên đề xã hội như Tuyên ngôn Độc lập 1945 đã khẳng định, thì các quyền hiển nhiên như Độc lập, Tự do, Bình đẳng, Dân chủ là những điều khắc sâu trong lòng Việt Nam, tất phải thể hiện thành lời trong Hiến pháp Việt Nam vì Hiến pháp là văn bản pháp lý tối cao, với kỳ vọng là được bắt nguồn từ những lẽ phải không ai chối cãi được đó.
Người Đức có câu tục ngữ rất hay: Điều gì khắc ở trong tâm thì cũng bộc lộ nên lời. Theo triết lý đó của người Đức, chúng ta làm một thống kê nhỏ mà kết quả trình bày trong bảng dưới đây, cho ta thấy số lần xuất hiện và xác suất hiện diện của các phạm trù đó trong các văn bản Hiến pháp Việt Nam. Vì các văn bản có độ dài ngắn khác nhau, nên để định lượng cần phải tính xác suất hiện diện của chúng bằng cách tính tỷ lệ (phần nghìn) của số lần xuất hiện chia cho tổng số từ. Để dễ nhận biết, xác suất của sự hiện diện được trình bày rõ thêm bằng đồ thị kèm theo.
clip_image001
clip_image002
Nhìn biểu đồ thấy rõ sự biểu hiện của yêu cầu “Độc lập” có biến đổi ít nhiều nhưng không một chiều, “Tự do” năm 1946 là rất cao sau đó ổn định suốt nhiều thập kỷ. “Bình đẳng” tương đối ổn định. Riêng “Dân chủ” trong hành trình hiến pháp Việt Nam có sự biến đổi bất thường nhất. Trong các phiên bản ban đầu, 1946, 1960 phạm trù này được nhấn mạnh nhiều, sau đó thì giảm mạnh. Lưu ý rằng trong các thống kê này, cụm từ dân chủ nằm trong tên gọi quốc gia “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, đã được đưa ra khỏi số liệu thống kê. Tuy chỉ là một phương pháp tư duy hình thức, gần giống như một trò chơi ngôn ngữ, nhưng số liệu thống kê giản đơn như vậy cũng gợi ý để tìm hiểu kỹ hơn, đặc biệt về nội hàm “Dân chủ” trong Hiến pháp.
3- Sự định danh của một quốc gia và Hành trình dân chủ trong các Hiến pháp Việt Nam
• Việt Nam, với tư cách là một quốc gia (nhà nước), được định danh trong các Hiến pháp như sau:
Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa (Điều 1, Hiến pháp 1946).
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…, là một nước dân chủ nhân dân (Điều 2 Hiến pháp 1960).
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản… (Điều 2, Hiến pháp 1980).
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước (gì?) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… (Điều 2, Hiến pháp 1992).
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân… (Điều 2 Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2000).
• Sự định danh lại vào Hiến pháp 1980 từ nhà nước dân chủ sang nhà nước chuyên chính, là một bước ngoặt lớn, có thể hiểu là Hiến pháp được xây dựng lại trên cơ sở những tiên đề xã hội khác trước. Có lẽ hiếm có quốc gia nào có được sự tự định danh chính thức là nhà nước chuyên chính như Hiến pháp 1980 của nước ta. Nên nhớ rằng, “chuyên chính” là xuất xứ từ nguyên gốc Latin “Dictatura”, trong mọi ngôn ngữ thông dụng đều có duy nhất một nghĩa là đối nghịch với “Dân chủ – Democracy”, rất phản cảm trong xã hội văn minh [7]. Vì là từ mượn, trong tiếng Việt, nhờ sử dụng thủ thuật “từ đồng nghĩa – synonyms” cùng gốc Hán-Việt nên chữ “Chuyên chính” đã được dùng thay cho chữ “Độc tài”, và do vậy không gây phản cảm trong xã hội Việt Nam. Trong giao tiếp, quảng cáo, tuyên truyền chính trị, những thủ thuật ngôn ngữ được dùng để dễ thuyết phục một cách nhất thời như vậy không phải là điều cấm kỵ, nhưng trong một văn bản luật cao nhất như Hiến pháp của một quốc gia mà định danh một quốc gia như vậy thì rất lạ.
• Hiến pháp 1992 một lần nữa định danh lại: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…”. Cần nhớ rằng mệnh đề này là trích trong diễn văn Gettysburg (1863) của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, dùng để định danh một chính quyền, nguyên văn: “government of the people, by the people, for the people” – Chính quyền của dân, do dân và vì dân [8]. Không phải là vô tình mà A. Lincoln định danh đó cho chính quyền chứ không phải cho nhà nước. Vì nếu là nhà nước (quốc gia) thì định danh như vậy thật vô nghĩa. Coi Chính quyền đồng nghĩa là Nhà nước (quốc gia), là một sự cố tình nhầm lẫn tai hại trong chính giới và chuyển thành thói quen cả ở trong ngôn ngữ dân gian. Như vậy, thực chất Hiến pháp 1992 của Việt Nam không định danh nhà nước Việt Nam là nhà nước gì, không biết là dân chủ hay là chuyên chính hay là cái gì đó khác…!
• Có lẽ nhận thấy sơ suất này nên năm 2001 đã sửa lại Việt Nam là “…là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân… ”. Hiến pháp là văn bản pháp luật tối cao khởi thủy cho mọi văn bản pháp luật khác. Về khoa học, bất kỳ một định danh nào đều phải dẫn chiếu đến một khái niệm đã được định danh trước đó hoặc diễn dịch từ những “sự thật không thế chối cãi” – tức tiên đề xã hội. Vì vậy cần giải thích rõ “Nhà nước pháp quyền XHCN” là gì trước khi định danh cho một nhà nước.
• Qua sự định danh quốc gia trong Hiến pháp, ta có thể tóm tắt hành trình dân chủ theo con đường tiến hóa gần 70 năm như sau:
Dân chủ cộng hòa (46) --> Dân chủ nhân dân (60) --> Chuyên chính vô sản (80) --> không định danh (92) --> Pháp quyền XHCN (2001)…
Điều này lý giải cho biểu đồ về sự biểu hiện “Dân chủ" trong hiến pháp Việt Nam và hiển nhiên đã dẫn dắt sự thực thi trong xã hội chúng ta.
4- Thay lời kết
Trước một đối tượng quan trọng như chọn cơ sở nào để xây dưng Hiến pháp, trong xã hội tất phải có nhiều quan điểm khác nhau. Dưới quan điểm chính trị, Hiến pháp phải xây dựng trên cơ sở đảm bảo quyền lực thống trị. Theo mục tiêu kinh tế, Hiến pháp phải được tạo ra theo lợi ích của việc điều khiển và thao túng đồng tiền. Lấy mục đích tuyên truyền làm chính, Hiến pháp sẽ được xây dựng bằng các thủ thuật ngôn ngữ. Điều thống nhất là tất cả các quan điểm khác nhau đều tự tuyên bố là vì quyền lợi của toàn dân. Tất nhiên thôi, vì về danh nghĩa, Hiến pháp là của toàn dân. Về nguyên tắc, Hiến pháp phải được toàn dân chấp nhận.
Khi Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở những lẽ phải không thể chối cãi được, thì việc chấp thuận của toàn dân là một lẽ tự nhiên. Còn khi cơ sở là những lý lẽ dễ bị chối cãi, dù cho Hiến pháp đó bằng cách này hay cách khác tuyên bố được nhân dân chấp thuận, thì đó chỉ là sự áp đặt khiên cưỡng. Một Hiến pháp như vậy chỉ là hình thức, chỉ để tuyên truyền và tất nhiên không thể thực thi làm nền tảng cho sự phát triển hài hòa, bền vững và thịnh vượng cho quốc gia, dân tộc.
Chắc là không có ai, ngoài vài ba nhà khoa học, lại ngây thơ tin rằng Hiến pháp của một quốc gia chỉ được xây dựng trên một cơ sở duy nhất, là cơ sở của những lẽ phải không thể chối cãi được.
Nhà Vật lý vĩ đại Albert Einstein đã từng thổ lộ: “Tôi không bao giờ ngại ngần và cũng chẳng bỏ lỡ một cơ hội nào để thẳng thắn nói lên niềm tin của mình, vì tôi coi đó là nghĩa vụ phải làm. Tuy nhiên, theo lẽ thường thì một tiếng nói đơn lẻ luôn luôn chìm trong tiếng ồn ào của số đông.”
T. X. H.
Chú thích
[1] axioms: a self-evident or universally recognized truth.
[2] http://dangcongsan. vn/cpv/Modules/News/NewsDetail. aspx?co_id=30196&cn_id=119997
[3] “We hold these truths to be sacred and undeniable self evident, that all men are created equal and independent; that from that equal creation they derive in rights inherent and inalienable, among which are the preservation of life, and liberty and the pursuit of happiness”; http://www. princeton. edu/~tjpapers/declaration/declaration. html
[4] “Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits”. http://www.assemblee-nationale.fr/histoire/dudh/1789.asp
[5] http://vanban. chinhphu. vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=view&org_group_id=0&type_group_id=1&category_id=0
[6] http://vietnamnet. vn/vn/chinh-tri/103390/du-thao-sua-doi-hien-phap-lay-y-kien-nhan-dan. html
[7] Tiếng Anh: Dictatorship, Pháp: Dictature, Nga: диктатура, Đức: Diktatur, Trung Quốc: 独裁 (âm Hán Việt: độc tài).
[8] “…and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.” http://showcase.netins.net/web/creative/lincoln/speeches/gettysburg.htm
Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=6056&CategoryID=42

Monday 7 January 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ GIỚI TÍNH ĐẾN MỨC ĐỘ TẬP TRUNG TỪ NGỮ VÀ VIỆC SỬ DỤNG CÁC PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO TỪ CỦA ĐỐI TƯỢNG SINH VIÊN



TÓM TẮT
Thông qua một số thực nghiệm với những kết quả cụ thể, bài viết góp phần chỉ ra những tác động nhất định của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ và việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của đối tượng sinh viên. Cụ thể, bài viết sẽ làm rõ mức độ tập trung từ ngữ của nam và nữ sinh viên trong liên tưởng tự do và trong tạo lập văn bản. Bên cạnh đó, bài viết còn khảo sát những văn bản do hai giới tạo lập để chỉ ra những phương thức cấu tạo từ được mỗi giới ưa dùng. Từ những kết quả nghiên cứu này, bài viết muốn góp thêm những minh chứng và biện giải làm sáng tỏ hơn mối quan hệ tác động hai chiều giữa giới tính và ngôn ngữ nói riêng, giữa ngôn ngữ và xã hội nói chung.
Từ khóa: Giới tính, ngôn ngữ, từ ngữ, phương thức cấu tạo từ, sinh viên


Ngôn ngữ được xem như là “tấm gương soi của xã hội”,chiếc hàn thử biểu để đo nhận thức của xã hội” về mọi mặt đời sống của con người trong các xã hội khác nhau, ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau [5]. Xã hội thay đổi thúc đẩy ngôn ngữ phát triển để ghi lại và phản ánh những biến chuyển đó. So với ngữ âm và ngữ pháp, từ vựng thường được coi là bình diện ngôn ngữ có sự thay đổi nhanh nhất.
Ở Việt Nam, nghiên cứu liên ngành đang được các nhà ngôn ngữ học rất quan tâm. Bên cạnh xu hướng nghiên cứu xuyên văn hoá (cross-cultural), liên văn hoá (inter-cultural), xu hướng nghiên cứu về bản chất xã hội của ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ giới nói riêng cũng đã và đang được chú ý trong những năm vừa qua. Đây chính là hướng nghiên cứu đa ngành và liên ngành nhằm giải quyết các vấn đề vốn rất hấp dẫn và phong phú nhưng không hề dễ dàng về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và
xã hội, đặc biệt là quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính” [5].
Cùng với các nhân tố như địa vị, quan hệ xã hội, bối cảnh văn hóa, sự phát triển kinh tế, giáo dục, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ văn hóa…giới tính cũng có những ảnh hưởng nhất định đến thái độ ngôn ngữ (bao gồm cả tinh thần và hành vi) của các đối tượng khác nhau trong xã hội, trong đó có đối tượng sinh viên.
Bài viết này góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính qua phương diện: Ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ (cụ thể là tập trung từ) và việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của đối tượng sinh viên.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành hai thực nghiệm ngôn ngữ trên 200 sinh viên (100 nam và 100 nữ) thuộc Khoa Văn – Xã hội, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên.
1. Ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ
Thực nghiệm 1: Người tiến hành thực nghiệm chuẩn bị phiếu để phát cho 100 thông tin viên (50 nam và 50 nữ). Mỗi phiếu bao gồm 30 từ cho sẵn (10 danh từ, 10 động từ, 10 tính từ). Trong vòng 15 giây với mỗi từ, không bị chi phối bởi hoàn cảnh xung quanh, thông tin viên sẽ ghi ra tất cả những từ xuất hiện trong đầu mình mà từ đã cho gợi ra.


1.1 Mức độ tập trung từ ngữ trong liên tưởng tự do
Phân tích 100 phiếu khảo sát độ tập trung từ ngữ của hai giới trong vòng 450 giây (15giây/từ): (50 phiếu của nam, 50 phiếu của nữ), kết quả thu được như sau:
Bảng 1: Mức độ tập trung từ ngữ trong tư duy liên tưởng tự do của mỗi giới   
(Đơn vị: từ)

TS từ
Tỉ lệ %
TB/
ng
TB/ng/phút
Nữ
7570
60,03
151,4
20,18
Nam
5040
39,97
100,8
13,14

Các phiếu điều tra thu được cho thấy trong vòng 7,5 phút (30 từ × 15 giây = 450 giây = 7,5 phút), trung bình nữ giới sẽ huy động được 151,4 từ, nam giới sẽ huy động được 100,8 từ. Trung bình 1 phút, nữ giới sẽ huy động được 20,18 từ và nam giới sẽ huy động được 13,14 từ. Như vậy, trong liên tưởng tự do, trung bình mức độ tập trung từ ngữ của nữ cao hơn nam là 1,53 lần (tức nhanh hơn 7,04 từ/phút).
Điều này cho thấy, mặc dù trình độ và lứa tuổi ngang nhau nhưng vốn từ ngữ tiềm năng trong tư duy liên tưởng tự do của nữ giới thường phong phú hơn nam giới và khả năng huy động từ ngữ của nữ giới cũng nhanh hơn nam giới.
1.2 Mức độ tập trung từ ngữ trong tạo lập văn bản
- Thực nghiệm 2: Người tiến hành thực nghiệm chuẩn bị sẵn các chủ đề  (gia đình, tình bạn, tình yêu, lý tưởng, nghề nghiệp…) đề để phát cho 100 thông tin viên (50 nam và 50 nữ). Các thông tin viên chọn một trong các chủ đề đó để tạo lập một văn bản hoàn chỉnh trong vòng 15 phút. Dựa vào các văn bản này, chúng tôi tính được mức độ tập trung từ ngữ của hai giới với kết quả cụ thể như sau:

Bảng 2: Mức độ tập từ ngữ trong văn bản do mỗi giới tạo lập

TS câu
TS
từ
Độ dài TB của VB   (từ)
TB/Ng/
phút
(từ)
Nữ
445
7708
154,16
10,27
Nam
383
8324
166,44
11,09
Biểu đồ 1: So sánh mức độ tập trung từ vựng trung bình của mỗi giới
(Đơn vị: từ/phút)
            Xét văn bản do hai giới tạo lập, tư liệu của chúng tôi cho thấy:
- Mức độ tập trung và huy động từ ngữ của nam giới cao hơn nữ giới. Cụ thể là: Trung bình nữ giới huy động được 10,27 từ/phút; còn trung bình nam giới huy động được 11,09 từ/phút. Như vậy, trung bình nam giới sẽ huy động được nhiều hơn nữ giới 0,82 từ/phút.
- So với mức độ tập trung từ ngữ trong liên tưởng tự do, mức độ tập trung và huy động từ ngữ của cả hai giới trong tạo lập văn bản đều thấp hơn khá nhiều. Cụ thể:
+ Trung bình 1 phút, trong liên tưởng tự do, nữ giới huy động được 20,18 từ; trong tạo lập văn bản chỉ huy động được 10,27 từ. Tỉ lệ chênh lệch này là 1,96 lần;
+ Trung bình 1 phút, trong liên tưởng tự do, nam giới huy động được 13,14 từ; trong tạo lập văn bản huy động được 11,09 từ. Tỉ lệ chênh lệch này là 1,18 lần.
Sự giảm xuống đáng kể này là do, từ việc huy động từ ngữ trong “tư duy” đến việc sắp xếp chúng thành văn bản theo chủ đề đòi hỏi cả hai giới phải mất nhiều thời gian để lựa chọn, tổ chức từ ngữ đó theo những “quy tắc” nhất định. Hay nói cách khác, việc huy động từ ngữ để tạo lập văn bản ở mỗi người đều phải trải qua quá trình “tư duy” để “chọn lựa, sắp đặt” từ ngữ đồng thời theo cả hai quan hệ: quan hệ liên tưởng và quan hệ tuyến tính nhằm thể hiện đúng dụng ý của người tạo lập. Những con số trên cũng chỉ ra rằng, trong việc tạo lập văn bản, khả năng tập trung và huy động từ ngữ của hai giới khá đều nhau và đều thấp hơn khá nhiều so với khi liên tưởng tự do. Điều này cho thấy, việc thực hiện thao tác “ngầm” lựa chọn, sắp xếp từ ngữ để tổ chức chúng theo những quan hệ kết hợp nhất định tạo thành văn bản sẽ mất thời gian hơn khi huy động chúng một cách tự do. Không những thế, qua đây, chúng tôi cũng nhận thấy một điều rất thú vị: Mặc dù khả năng tập trung từ ngữ của nam giới theo liên tưởng tự do không cao bằng nữ giới nhưng mức độ huy động, tập trung và tổ chức từ ngữ của họ trong việc tạo lập văn bản lại cao hơn nữ giới về tốc độ. Và sự chênh lệch trong việc huy động từ ngữ của nam giữa liên tưởng tự do và tạo lập văn bản cũng thấp hơn sự chênh lệch ở nữ. (nam chênh: 1,18 lần; nữ chênh 1,96 lần).
Những số liệu trên đã phần nào chứng tỏ giới tính cũng có những ảnh hưởng nhất định đến thái độ ngôn ngữ của nam và nữ sinh viên hay nói cách khác việc tập trung từ ngữ của nam và nữ khác nhau một phần là do sự chi phối của nhân tố giới tính. Nhà ngôn ngữ học R.Lakoff (1973) và GS. Nguyễn Văn Khang đã có những kiến giải về nguyên nhân sâu xa của vấn đề này: “Nữ tính không dễ thay đổi thái độ trung thành của mình đối với ngôn ngữ. Tính cách của họ tương đối bảo thủ không giống nam giới. Họ không đi chệch khỏi giá trị ngôn ngữ, mặc dù họ có thể giao du ít hơn nam. Mẫn cảm của nữ giới mạnh hơn nam giới.” [4,tr.77].

2. Ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ
Theo Lê Đình Tư, Vũ Ngọc Cân: “Phương thức (PT) cấu tạo từ là cách thức và phương tiện mà các ngôn ngữ sử dụng để tạo ra các kiểu cấu tạo từ”[8]. Xét ở cấp độ chung nhất, có thể nêu ba phương thức cấu tạo từ chủ yếu sau đây: PT phụ gia; PT ghép; PT láy.
Tuy nhiên, khi xét PT cấu tạo từ tiếng Việt, nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến lại quan niệm có các PT sau: PT dùng một tiếng làm một từ sẽ cho ta các từ đơn (hay từ đơn tiết). Một số tác giả còn gọi PT này là PT từ hóa hình vị. PT tổ hợp (ghép) các tiếng lại, mà giữa các tiếng (thành tố cấu tạo) đó có quan hệ với nhau về nghĩa, sẽ cho ta những từ gọi là từ ghép. PT tổ hợp các tiếng trên cơ sở hoà phối ngữ âm cho ta các từ láy (từ lấp láy, từ láy âm). PT kết hợp một số với nhau một cách ngẫu nhiên, không dựa trên quan hệ ý nghĩa và quan hệ hòa phối ngữ âm (từ ngẫu hợp). Nhưng do giới hạn của bài viết, chúng tôi xin không bàn đến nhóm từ ngẫu hợp này trong quá trình khảo sát. [3, tr.142–152]. Chúng tôi tiến hành phân tích việc sử dụng các PT cấu tạo từ của nam và nữ sinh viên theo quan điểm của nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến.
2.1 Kết quả khảo sát, thống kê
Chúng tôi sử dụng kết quả khảo sát thu được từ thực nghiệm 1. Phân tích100 phiếu điều tra về mức độ tập trung từ ngữ của 50 sinh viên nam và 50 sinh viên nữ, chúng tôi thu được kết quả như sau (xem bảng 3, biểu đồ 2).
         2.2 Nhận xét
Nhìn vào bảng khảo sát (bảng 3) và biểu đồ (biểu đồ 2), chúng tôi rút ra một số nhận xét mang tính định lượng như sau:
- Cả hai giới đều ưa dùng PT cấu tạo từ bằng cách tổ hợp các tiếng (theo quan hệ nghĩa hoặc quan hệ hòa phối ngữ âm). PT dùng một tiếng làm một từ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.


Bảng 3: Việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của nam và nữ sinh viên
PT
cấu tạo từ
Tổng
số
PT dùng 1 tiếng làm một từ
PT tổ hợp các tiếng
QH  nghĩa
QH ngữ âm
Từ
%
Từ
%
Từ
%
Từ
%
Nữ
7570
100
881
11,63
6284
83,02
405
5,35
Nam
5040
100
542
10,76
4265
84,62
233
4,62



Biểu đồ 2: Việc sử dụng các phương thức cấu tạo từ của nam và nữ sinh viên
Ví dụ: Ở nữ giới: Sử dụng PT tổ hợp các tiếng chiếm 88,37% , sử dụng PT dùng một tiếng làm một từ chiếm 11,63%. Ở nam giới: Sử dụng PT tổ hợp các tiếng chiếm 89,24%, sử dụng PT dùng một tiếng làm một từ chiếm 10,76 %
- Xét trong PT tổ hợp các tiếng, hai giới sử dụng PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa (tạo ra từ ghép) cao gấp khoảng 7 đến 8 lần so với PT dùng một tiếng làm một từ và cao gấp khoảng từ 15 đến 18 lần PT tổ hợp các tiếng dựa trên quan hệ hòa phối ngữ âm (tạo ra từ láy).
Ví dụ: Nữ giới sử dụng PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa cao gấp 7,16 lần PT dùng một tiếng làm một từ và cao gấp 15,43 lần PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ hòa phối ngữ âm. Nam giới sử dụng PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa cao gấp 7,86 lần PT dùng một tiếng làm một từ và cao gấp 18,34 lần PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ hòa phối ngữ âm.
Điều này rất phù hợp với đặc điểm loại hình đơn tiết của tiếng Việt: Thường tạo ra từ mới thông qua phương thức tổ hợp các tiếng. Đặc biệt là PT tổ hợp các tiếng dựa trên quan hệ về nghĩa.
- Xét trong mối tương quan giữa nam và nữ, nữ thường đều có xu hướng sử dụng tất cả các PT cấu tạo từ cao hơn với nam giới. Cụ thể là:
+ PT dùng một tiếng làm một từ: nữ sử dụng cao hơn nam 1,61 lần (nữ: 881 từ so với nam: 542 từ)
+ PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ nghĩa: nữ sử dụng cao hơn nam 1,47 lần (nữ: 6284 từ so với nam: 4265 từ)
+ PT tổ hợp các tiếng theo quan hệ hòa phối ngữ âm: nữ sử dụng cao hơn nam 1,75 lần (nữ: 405 từ so với nam: 233 từ)
Những số liệu này chứng tỏ mức độ tập trung, huy động từ ngữ trong tư duy của nữ giới cao hơn nam giới. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tư duy của chúng ta có thể được tượng hình rõ, cụ thể hóa bằng ngôn ngữ khi chúng được sắp xếp. Không có từ ngữ, ý tưởng cũng không thể được tạo thành. Tuy nhiên, quá trình tư duy của con người thay đổi ở từng độ tuổi và được phản ánh trong ngôn ngữ. Ở tuổi trưởng thành khi tư duy của con người phát triển, thiên về lối tư duy trừu tượng, đòi hỏi phải có vốn ngôn ngữ phong phú để chứa đựng, truyền tải hết những phức tạp, đa dạng trong mọi khía cạnh của tư tưởng. Đồng thời, những khác biệt về mặt sinh học cũng có những ảnh hưởng đến việc tư duy và sử dụng ngôn ngữ của từng người nói chung, của đối tượng nam và nữ sinh viên nói riêng.
Ngôn ngữ không thuộc về riêng một giai tầng, một giới nào mà thuộc về toàn xã hội. Nhưng trong thực tế, mỗi giới đã, đang và sẽ sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình để hình thành nên khái niệm phương ngữ giới tính. Sự hình thành và biểu hiện của ngôn ngữ giới tính ở mỗi lứa tuổi là rất khác nhau.  Chính thiên chức, địa vị và tính cách của mỗi giới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên loại phong cách ngôn ngữ thú vị này. Do ngôn ngữ và xã hội có mối quan hệ hai chiều nên qua ngôn ngữ chúng ta biết được những quan niệm (bình đẳng hay bất bình đẳng) về giới và ngược lại, từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể góp phần làm thay đổi quan niệm về giới thông qua việc tác động vào cách sử dụng ngôn ngữ của các giai tầng và mỗi giới trong xã hội.
Thông qua một số thực nghiệm với những kết quả cụ thể, bài viết đã phần nào chỉ ra những tác động của yếu tố giới tính đến mức độ tập trung từ ngữ và việc sử dụng một số PT cấu tạo từ của đối tượng sinh viên. Từ đó, bài viết góp thêm những minh chứng làm sáng tỏ hơn mối quan hệ hai chiều giữa giới tính và ngôn ngữ nói riêng, giữa ngôn ngữ và xã hội nói chung.

 





SUMMARY
EFFECT OF GENDER FACTOR TO CONCENTRATION WORD LEVEL
 AND USING WORD CONSTRUCTION  METHODS  OF THE STUDENTS
Nguyen Thi Tra My
College of SciencesThai Nguyen University

Through some experimentations with concrete results, the article shows the impact of gender factor on the degree of concentration of words and using the methods to compose the preferred words of Vietnamese students. Specifically, the article clarifies the degree of words concentration of both male and female students in freely connecting ideas and in creating texts. Besides, the article also examines the texts that were created by students of each gender to indicate the specific methods that each gender prefers to compose words. From the results of this study, this article contributes further evidences and explaination to clarify the mutual influence between gender and language in particular, and between language and society in general.
Key words: Gender, languague, word, word construction  methods, student



Tài liệu tham khảo
[1]. Đỗ Hữu Châu (1986), Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội.
[2]. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3]. Mai Ngọc Chừ, Vữ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4]. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Văn Khang (2011), Xã hội học ngôn ngữ về giới: Sự kì thị và sự chống kì thị đối với nữ giới trong sử dụng ngôn ngữ, http://www.vienngonnguhoc.gov.vn/?act=Science&do=Detail&nid=166
[6]. Hoàng Bá Thịnh (2008), Giáo trình Xã hội học về giới, Nxb ĐHQG HN, Hà Nội.
[7]. Nguyễn Đức Tồn (2008), Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb KHXH, Hà Nội.
[8]. Lê Đình Tư, Vũ Ngọc Cân (2009). Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội.



* Tel: 0983 732 638     Email: tramy.vnnn@gmail.com